Bếp ăn “dã chiến” giữa sân bệnh viện


(ANTĐ) - Trời rét đậm. Bập bùng ngay trước khoảnh sân nhỏ là ngót hai chục chiếc bếp gas hoạt động hết cỡ. Có lẽ, đây là bệnh viện duy nhất ở Hà Nội “cho phép” người nhà bệnh nhân làm “hỏa đầu quân” ngay trong khuôn viên của mình.

Vừa hí húi băm chặt lạng thịt vụn trên chiếc thớt nhựa chuẩn bị cho bữa trưa, anh Hoàng Dũng bố của bệnh nhi Hoàng Mai mới 5 tuổi hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện bởi căn bệnh thiếu máu vừa ngượng ngùng kể về việc cơm nước, chợ búa của mình suốt 1 tháng nay: “Chợ cũng ngay gần đây thôi, gần trưa, em tranh thủ để con nằm một mình tạt qua đó mua chút thức ăn về tự nấu nướng”. Bữa cơm của anh Dũng gồm một đĩa thịt xào (dùng để bồi dưỡng cho con), phần nước thịt được chắt ra chiếc bát nhỏ để nấu một bát canh rau cải, một niêu cơm con con.

Thế là hơn nhiều so với đi ăn ngoài. Nhà anh Dũng ở tận trong Đồng Hới - Quảng Bình. Cháu bé nhà anh mắc bệnh đã gần nửa năm nay. Anh kể: “Sau mấy tháng cho con vào Bệnh viện Trung ương Huế ăn chực nằm chờ mãi mà không khỏi, 2 vợ chồng quyết định đưa con ra Hà Nội. Căn bệnh của cháu khá nặng. Mới đó mà đã nằm ở đây được 1 tháng rồi…”.

Bố làm ruộng, mẹ là giáo viên mẫu giáo dạy hợp đồng, với đồng lương cọc cạch thì cái sự đưa con đi viện xa nhà tới ngót nửa năm quả là một sự tày trời. Bao nhiêu tiền cũng cạn. Tiền thuốc cho con còn chưa đủ thì ăn uống ở cái thành phố nổi tiếng đắt đỏ này anh đào đâu ra. Thấy người nhà những bệnh nhân khác bắc bếp ra sân nấu cơm ăn uống với nhau, anh Dũng cũng bắt chước. Và cái bếp con con ấy đã giúp anh đủ sức, đủ lực để chăm đứa con nhỏ gần một tháng nay.

Cạnh chiếc bếp của anh Dũng là hai vợ chồng anh Chu Văn Sinh cũng đang hí húi nổi lửa. Bốc thêm nắm gạo bỏ vào cái xoong nhôm bé tí tẹo, anh Sinh phân trần: “Hôm nay nhà tôi có khách nên nấu thêm một chút”. Vị khách lên thăm người ốm ấy chính là vợ anh - mẹ đẻ của bệnh nhân Chu Văn Phong đang điều trị tại Viện Huyết học vì chứng ung thư máu. Mẹ cháu mới lên sau 1 tuần về nhà chạy vạy vay tiền chữa bệnh cho con. Mới đưa con lên nhập viện được 20 hôm mà cái gia đình nông dân nghèo của xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên này đã tiêu hết vèo gần 30 triệu đồng tiền thuốc.

Tôi hỏi anh Sinh: “Sao anh chị không ra cơm bụi cho tiện?”. Anh Sinh trợn mắt: “Nếu ăn ngoài trung bình hết 120 nghìn một ngày. Ăn như thế vài bữa thì… con chết. Lấy đâu ra tiền thuốc thang”. Thế là nhìn trước ngó sau, những gia đình nghèo như anh Sinh, anh Dũng bàn nhau đi mua chiếc bếp gas du lịch, lọ muối, lọ mắm, dăm chiếc bát con… rồi kéo nhau ra góc sân trước cửa bệnh viện “nổi lửa”. Tính ra việc ăn uống “tự lực” như vậy chi phí rẻ hơn một nửa so với ăn ngoài. Rồi người nọ học người kia, cả khoảnh sân chẳng mấy chốc đông nghịt những chiếc bếp gas dã chiến - những chiếc bếp của bệnh nhân nghèo.

Thực ra việc để cho cả khoảnh sân trước cửa bệnh viện biến thành một bếp ăn tập thể này là rất chướng mắt, bệnh viện biết cả. Nhưng theo bác sỹ Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu thì: “Đó là cực chẳng đã, mình đành phải chấp nhận như một cách thông cảm cho hoàn cảnh của những bệnh nhân nghèo. Đã vào đến viện này toàn những bệnh tốn tiền cả”.

Theo bác sỹ Trí, phần lớn bệnh nhân vào đây đều phải truyền đủ loại hóa chất nên đòi hỏi chế độ dinh dưỡng hợp lý. Do đó, để họ tự nấu ăn cho bệnh nhân là cách tốt nhất cho người bệnh tránh tình trạng tăng men gan và hạ tiểu cầu. Ngoài việc điều trị cho bệnh nhân thì bệnh viện giúp họ đỡ được chừng nào về kinh tế hay chừng ấy. Chính bởi vậy mà các bác sỹ đành chấp nhận sự tồn tại của những bếp ăn trước cửa viện kia.

Thú thực, tôi rất sợ có thể sau bài viết này, những bếp ăn trước cửa Viện Huyết học - Truyền máu kia sẽ bị dẹp bởi với nhiều vị lãnh đạo, sự “nhếch nhác” đó là khó chấp nhận. Như thế cũng có nghĩa là những bệnh nhân nghèo kia sẽ có thể bị nghèo thêm vì phải móc hầu bao chi cho những bữa ăn cắt cổ bên ngoài. Chỉ hy vọng tới đây, nếu Viện Huyết học - Truyền máu chuyển đến trụ sở mới thì sẽ có thêm một căn phòng dành riêng cho những “bếp ăn dã chiến” của người nghèo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét