Lo ngại chất lượng gas


TT - Liên tục thời gian gần đây nhiều người tiêu dùng phản ảnh khi sử dụng gas đã xảy ra hiện tượng lửa đỏ (thay vì xanh), bụi than bám họng đốt bếp gas nhiều, gas nhanh hết, bếp nồng nặc mùi dù không bị rò rỉ...

Tình trạng trên đã gây nhiều lo ngại về chất lượng gas trên thị trường đang có vấn đề.

Chị Huyền, nhà ở P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM phản ảnh gần đây việc lau chùi đồ nghề nấu bếp phải làm thường xuyên hơn. “Khói từ bếp gas đen hơn trước làm nồi mau dơ. Trước đây khoảng nửa tháng chà rửa một lần, nay một tuần tôi phải làm một lần, có khi hai lần”, chị Huyền nói.

Còn quản lý một nhà hàng trên đường Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM phản ảnh dạo gần đây bộ phận bếp báo thời gian phải thay bình gas nhanh hơn dù lượng khách không tăng, họng đốt bếp gas thường xuyên bị đóng bụi than đen và khó làm vệ sinh hơn... “Chúng tôi nghi ngờ chất lượng gas nên yêu cầu bên cung cấp đổi bình gas và tình hình đã thay đổi”, anh Huy- quản lý nhà hàng này, cho biết.

Các hiện tượng như lửa đỏ thay vì xanh, bụi than bám họng đốt bếp gas nhiều, gas xài nhanh hết, bếp nồng nặc mùi dù không bị rò rỉ... cũng được nhiều đại lý xác nhận là phản ảnh thường xuyên gần đây của người tiêu dùng.

Các công ty gas lớn như Saigon Petro, Petrolimex, Petrovietnam Gas, VT Gas, Gia Đình Gas, Vina Gas... đều xác nhận có biết hiện tượng trên và chỉ ra nguyên nhân từ chất olefin và các chất cặn khác.

Olefin, còn gọi là anken, là một hydrocarbon không no chứa ít nhất một liên kết đôi giữa các nguyên tử cacbon - cacbon. Olefin là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu.

Olefin, còn gọi là anken, là một hydrocarbon không no chứa ít nhất một liên kết đôi giữa các nguyên tử cacbon - cacbon. Olefin là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu.

Theo các chuyên gia, chất lượng gas phụ thuộc thành phần hydrocarbon, hàm lượng lưu huỳnh tổng, hàm lượng olefin và tạp chất. Trong đó olefin gây oxy hóa cao dễ tạo nhựa, khi cháy dễ tạo bụi than ở các họng đốt bếp gas.

Theo một kỹ sư hóa phụ trách kỹ thuật một công ty gas, do áp suất bão hòa cao của olefin nên hydrocarbon dễ bay hơi và khi cháy tạo khí độc làm ô nhiễm môi trường. Còn hàm lượng lưu huỳnh tổng cao gây ăn mòn bình chứa và thiết bị, ngoài ra hợp chất lưu huỳnh khác khi cháy tạo khí độc...

Bên cạnh đó, trong những bình gas chứa lượng olefin cao sẽ có áp suất thấp hơn bình thường dẫn đến tình trạng gas trong bình không được đốt hết. Điều này giải thích vì sao nhiều trường hợp phải thay bình gas nhanh hơn thông thường.

Trong khi đó kết quả xét nghiệm tại một cơ quan uy tín ở TP.HCM cho thấy hàm lượng olefin trong một bình gas được kiểm nghiệm gần đây lên đến 45% thể tích, một số bình khác dao động 20-40%, trong khi tỉ lệ cho phép phổ biến là 10%. “Trong quá trình lọc dầu ra khí hóa lỏng (gas), đôi khi tách không hết hàm lượng olefin nên dẫn đến những hiện tượng trên”, kỹ sư hóa này nói.

Các công ty kinh doanh gas khẳng định hiện tượng trên không xảy ra đối với nguồn gas từ Nhà máy xử lý khí Dinh Cố mà chỉ có thể từ các nguồn khác. Loại trừ được gas chất lượng của Dinh Cố, nhưng hiện nay các công ty chưa xác định chính xác từ nguồn nào.

Một số công ty đã bắt đầu đưa gas đến các phòng thí nghiệm để kiểm tra và “chữa cháy” bằng cách pha trộn các loại gas lại với nhau nhằm làm giảm hàm lượng olefin và chất cặn. Tuy nhiên, giám đốc một công ty thừa nhận việc pha trộn chỉ làm theo cảm tính nên chất lượng gas có khi đạt khi không.

Người tiêu dùng hiện nay đang phải bỏ ra số tiền khá lớn để mua một bình gas nhưng đổi lại cả chất lượng và trọng lượng đều không được đảm bảo. Các công ty kinh doanh gas cần nhanh chóng có câu trả lời hợp lý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét