Những chiếc bếp bất đắc dĩ trong bệnh viện


Trong làn mưa bụi lất phất, họ, những người đi chăm nuôi bệnh nhân ở Viện Huyết học và Truyền máu TW vẫn lúi húi nấu nướng. Lạ quá, khoảng không gian dễ thở nhất trong bệnh viện với cây xanh, ghế đá đang trở thành nhà bếp. Trò chuyện với họ, tôi mới biết, đây là việc bất đắc dĩ.

Một bếp, hai bếp, ba bếp..., chúng tôi nhìn quanh cái vườn cây nhỏ và thấy đa phần đang đỏ lửa. Những giọt mưa bụi dù làm ướt nhẹ vai áo nhưng không đủ sức làm tắt những ngọn lửa hồng. Để "đẩy nhanh tiến độ", những cái bếp ga du lịch được vặn to hết cỡ. Nhìn kỹ hơn, tôi chợt nhận ra, phần lớn những người đang "điều hành" các bếp lửa giữa trời mưa đều là đàn ông.

Anh Nguyễn Thành Tâm, đang chăm bố ốm cho biết, bố anh mắc bệnh ung thư máu, căn bệnh mà cái chết luôn rình rập. Để kéo dài sự sống cho ông, anh và gia đình thống nhất, nếu bệnh viện chưa trả về thì chưa chịu về. Một tuần, hai tuần rồi cả tháng anh đóng đinh ở bệnh viện.

Bố ốm đương nhiên chẳng ăn uống gì nhiều, nhưng ông cụ lại rất kén ăn. Ông không nuốt được cơm bụi, loại cơm mà người ta nấu bằng gạo kém chất lượng. Để cho nở, người ta còn đem ngâm cho ngập nước rồi mới nấu nên cơm nhạt hoét. Nghĩ bố chẳng còn sống được bao lâu nên anh quyết định "đầu tư" một bếp ga du lịch, hai cái nồi nhôm để "hành nghề". Cơm anh nấu chưa thật ngon nhưng ông cụ không chê như cơm mua. Mỗi bữa, ông nhúc nhắc ăn được lưng cơm. Anh thấy vui vì tâm sức của mình được đền đáp phần nào.

Với bố con anh Trần Văn Thành ở Nghệ An thì khác. Hai bố con bám trụ ở bệnh viện hai tháng trời rồi. Chưa kể tiền thuốc men, chỉ riêng tiền ăn thôi, tiết kiệm lắm mất đứt 70.000đ/ngày. Để giảm chi phí trong những ngày nằm viện, chỉ còn mỗi cách cắt bớt khẩu phần ăn. Thế nhưng, nếu ăn không đủ chất, con anh sẽ không có sức để chống chọi với căn bệnh suy tủy. Bản thân anh Thành nếu đói sẽ không đủ sức để bám trụ ở bệnh viện cùng con. Thế là hai bố con đi tậu một cái bếp ga du lịch hết 160.000đ và hai cái nồi i nox nhỏ, cùng mấy cái bát, đũa.

Ở quê, anh chẳng mấy khi vào bếp mà chỉ chú tâm chuyện đồng áng, chăn dắt con trâu, con bò, nay phải mua bán, tính toán chi li từ lạng thịt, mớ rau. Cái mà anh Thành ngại là việc làm của mình gây mất vệ sinh, mỹ quan bệnh viện nhưng anh lại chặc lưỡi cứ làm.

Người chăm bệnh nhan nấu ăn trưa ở Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TW.

Tìm hiểu về việc điều trị của các bệnh nhân mắc bệnh máu nan y, chúng tôi được biết hầu hết họ phải điều trị kéo dài. Mỗi đợt ít nhất 40 ngày. Những ngày ở bệnh viện thật dài và buồn. Ai cũng mong chóng khỏi bệnh, chóng được về với gia đình và hòa nhập với xã hội. Thế nhưng, với những bệnh nhân tôi gặp ở Viện Huyết học và Truyền máu TW, điều này rất khó thực hiện. Họ phải chấp nhận những đợt điều trị kéo dài để tăng thêm thời gian sống và cơ hội sống. Họ hoàn toàn trông đợi vào việc điều trị của các y, bác sỹ.

Trong khi đó, việc khám chữa bệnh ở đây luôn trong tình trạng quá tải. Tại phòng các bệnh về máu của trẻ em, 2 bệnh nhân nhí phải chung một giường. Quá tải, ngột ngạt, căng thẳng là tình trạng mà người bệnh và người nhà bệnh nhân phải chịu đựng trong những ngày ở viện. Ngay cả các nhân viên y tế cũng phải gồng mình gánh, gánh nặng quá tải.

Để biết rõ hơn về hoàn cảnh của người bệnh, chúng tôi được biết phần lớn họ đều nghèo. Khi mắc bệnh nan y về máu, mức tiền viện phí phải nộp rất lớn. Để có thể trụ được tại đây, hầu hết họ đều trông đợi vào bảo hiểm y tế. Đó là các loại bảo hiểm y tế cho người nghèo, bảo hiểm y tế học sinh...

Anh Nguyễn Văn Hải, quê ở Thái Bình cho rằng, việc nấu ăn trong bệnh viện là vi phạm nội quy, làm mất mỹ quan. Thế nhưng, anh vẫn phải làm bởi số tiền mang theo có hạn. "Bảo vệ bệnh viện cũng thông cảm với chúng tôi, họ chỉ nhắc nhở giữ gìn vệ sinh thôi", anh Hải cho biết. Trước tình trạng nhiều bệnh nhân nấu ăn để nâng cao chất lượng bữa ăn và giảm chi phí, chúng tôi đã tìm hiểu và biết, nhu cầu ăn của bệnh nhân ở đây do mấy quán cơm bụi, phở ở gần khu nhà xe phục vụ. Chưa nói về chất lượng, chỉ cần nghĩ đến giá cả những suất cơm này thì những người phải "đóng đinh" ở viện cả tháng phải chi trả rất lớn.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, nằm trong quần thể Bệnh viện Bạch Mai có một nhà ăn lớn. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hà, đang lúi húi nấu cơm ở hành lang, chị lắc đầu bảo "không tiện mua". Hiện tại, con trai chị đang điều trị ở tầng 6, tòa nhà Việt Nhật, Bệnh viện Bạch Mai nhưng do trước đây cháu từng nằm ở Viện Huyết học và Truyền máu nên cứ đến bữa, chị lại đến đây lấy đồ nghề để nấu cơm.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân là một vấn đề rất quan trọng trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe. Được biết, Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia đang thực hiện dự án "Xây dựng mô hình điểm và nguồn lực dinh dưỡng lâm sàng" tại 7 bệnh viện trong toàn quốc. Khi thực hiện dự án này, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đã lên 90 thực đơn phù hợp với bệnh lý của từng bệnh nhân.

Việc làm này rất thiết thực và cần được nhân rộng để người bệnh biết và thực hiện. Tiếc rằng vẫn có những bệnh nhân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này nên không thực hiện. Ngoài ra, do một số bệnh viện chưa có nhà ăn phục vụ bệnh nhân nên người bệnh phải tự lực cánh sinh. Tình trạng tự nấu, tự ăn như ghi nhận của chúng tôi đối với một số bệnh nhân nêu trên là một thực tế đáng buồn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét