Muời lẻ một đêm (6)


Anh chàng với cô nàng tình nhân, không ai lý giải nổi vì sao mình lại bị nhốt như thế này...

Gã tổ chức biểu diễn cắp ngay họa sĩ ra sân bay đi Sài Gòn chính là người đàn ông đang bị kẹt trong căn hộ hôm nay. Sắp sửa bước lên xe đi ra sân bay thì thấy gã gọi. Mừng quá. Triển lãm khai mạc ngày mai mà hôm nay chưa có lời giới thiệu, chưa có lời bình dẫn giải. Lôi tuột ông lý luận một cây. Anh chàng không hề biết rằng mình đang kéo gã đầu sỏ ra khỏi một hợp đồng với nước ngoài. Nửa tháng chơi bời ở Sài Gòn gã cũng không nói. Gã hoàn toàn quên chuyện hệ trọng với cả nhóm. Anh chàng chủ gelơri ở Sài Gòn này cũng không bao giờ biết được là gã có tính mải chơi hay quên hay biến.

Có biết thì chắc gì đã cưỡng được số phận. Hôm nay đến lượt anh ta phải chịu tai vạ.

Anh chàng với cô nàng tình nhân, không ai lý giải nổi vì sao mình lại bị nhốt như thế này. Bao nhiêu suy luận phỏng đoán. Quá trưa không thấy gã về thì cho rằng gã mải mê quá chén với bạn bè. Chiều muộn không thấy gã về thì nghĩ gã say. Tối thì đoán gã vẫn còn say. Đêm thì bắt đầu nghĩ hay gã bị tai nạn. Ngày hôm sau vẫn nghĩ có thể gã bị tai nạn, nhưng cứ phấp phỏng hy vọng gã sắp trở về. Sắp về sắp về sắp về. Sắp về. Sắp.

Cả hai người đều sốt ruột. Thời kinh tế thị trường mỗi ngày mỗi giờ là mỗi tiền mỗi vàng. Chàng có hai cuộc thuyết trình cực kỳ hệ trọng đều đã lỡ, diễn giả không làm sao báo cho ban tổ chức xin hoãn được. Nàng thì ông Víp đi thăm chính thức châu Âu hai tuần, nàng không lo gì, nhưng lại có hẹn. Hẹn cùng mấy bà phu nhân bộ trưởng đi xem đi mua đất trang trại. Một cái hội thảo quốc tế ở trường đại học mà nàng đang là phó giáo sư. Một hai ngày đầu thì cả hai người đều sùng sục lên. Chết tôi rồi. Bao nhiêu việc lớn đang chờ tôi ở ngoài kia. Nhưng từ ngày thứ ba ngày thứ tư thì bắt đầu chai. Ngày thứ năm ngày thứ sáu thì bắt đầu ngộ. Ta có thể vắng. Ta có thể chết hẳn. Và mọi việc hệ trọng đến đâu cũng có thể được làm mà không có ta. Cái cõi trần quay cuồng toàn việc là việc này cũng có lúc ta phải dứt ra. Nên dứt ra một tí. Ta nên ốm nằm dưỡng bệnh trên giường. Ta nên đi du lịch đâu đó lên miền núi hải đảo không phủ sóng điện thoại. Cách biệt hẳn với thế giới ít ngày. Ta nghĩ về cái thân ta. Thụ hưởng cái thân ta.

Ngày thứ hai, người đàn ông đã thử tìm một sợi dây thép, một cái tuốcnơvít để xử lý ổ khóa từ bên trong. Căn hộ hoàn toàn trong tình trạng vườn không nhà trống. Đố tìm nổi cái gì. Đang đưa chùm chìa khóa của mình thử tra vào ổ khóa thì nghe tiếng một bà già ngoài hành lang. Hay là thằng con giời ốm đau nằm trong nhà? Hôm qua đến giờ không thấy nó sang ăn cơm. Bà già đến trước cửa. Loay hoay tìm chìa khóa tra vào ổ. Tra nhầm, lại đổi sang mấy cái chìa khác. Chết cha. Bà ấy mà vào bây giờ thì cả đôi biết giải thích thế nào. Nhỡ bà ấy làm ầm lên, láng giềng công an đến?

Bà già vẫn tiếp tục nhầm với chùm chìa khóa rủng rẻng thì có tiếng một thằng bé. Bà ơi, chú ấy đi rồi, vừa đi xong. Bà già ngừng tay, không tiếp tục nỗ lực mở cửa nữa. Mày thấy chú ấy đi rồi à? Vâng ạ, cháu thấy.

Thằng bé hàng xóm nhìn gà hóa cuốc. Nhưng nhờ nó mà bà già bỏ đi. Cứ như là nó biết cặp tình nhân đang ở trong này. Cứ như là nó đồng lõa.

Hai người dần dần chấp nhận tình trạng bị nhốt. Không thể liên lạc bằng điện thoại. Không thể phá khóa. Không thể đánh động cho hàng xóm biết để bảo bà già sang mở cửa cho ra. Không thể đốt lửa, cởi áo vẫy qua cửa sổ vân vân và vân vân.

Bây giờ nói chuyện thực phẩm. Rôbinsơn ban đầu một mình về sau có thêm Thứ Sáu. Mai An Tiêm ngay từ đầu đã có cả gia đình. Một mình hay bầy đàn thì việc sống còn đầu tiên đều là nước và thực phẩm. Lửa nữa, tất nhiên.

Còn khá. Trong khu vực gọi là bếp có một cái bếp điện bằng viên gạch vuông. Một cái bếp ga cỡ bằng ấy, loại bếp ga đun lẩu trong các quán nhậu. Trong bình còn ga. Một cái nồi áp suất. Sao lại nồi áp suất trong căn hộ một gã độc thân không nấu nướng? Chịu. Không giải thích. Nhưng người kể chuyện nhờ đó có thêm một công cụ để giải quyết vấn đề thực phẩm cho hai nhân vật của mình. Cái nồi áp suất ấy có thể dùng để ninh một đôi giày da. Vào lúc đói nhất cặp tình nhân còn tính chuyện ninh cả con cá trang trí trên mặt bàn. Đấy là loại cá ăn thịt người ở Nam Mỹ, to bằng bắp tay, răng tua tủa, được sấy khô bán cho du khách sưu tầm. Họa sĩ mua về trong chuyến đi triển lãm ở Mỹ. Con cá đã được xử lý hóa chất để trưng bày. Nhưng hóa chất thì vẫn có thể đem ninh tống vào dạ dày.

Lục soát tủ lạnh thì thấy một cái tủ lạnh rỗng không. Nước thì vòi nước đấy, bếp điện bếp ga đấy, chưa lo bằng thực phẩm. Của đáng tội thực phẩm thì có thể bòn mót gom góp tạm đủ cho hai ngày. Hẹn nhau đến đây gặp gỡ ngủ nghê, nhưng bản năng chăm chút đàn bà vẫn mua theo nửa con vịt quay Bắc Kinh. Thêm bốn cái bánh mì. Năm lon bia. Hai chục cái nem chua. Nửa cân nem Phùng. Đàn bà rộng rãi no cái miệng đói con mắt. Mua thế ăn được bao nhiêu thì ăn, không ăn hết thì vứt.

Nhưng cảnh ngộ này thì không có cái gì vứt. Mấy miếng vịt quay thừa đã gói giấy báo bỏ vào rổ rác, ngày hôm sau lại được moi ra tận dụng. Đến ngày thứ ba phát hiện ra mút lại xương vẫn còn ngọt. Ngày thứ ba bắt đầu tính chuyện nếu hôm nay họa sĩ không về thì phải ninh con cá đang nhe răng lởm chởm trên mặt bàn kia. Ngày thứ tư sẽ ninh đôi giày da.

Độc giả đã thừa biết họ sẽ qua được bảy đêm. Và tám ngày. Vậy thì họ sẽ sống tiếp thế nào từ ngày thứ ba, cứ tuần tự hồi sau sẽ rõ.

(Còn tiếp)

Hồ Anh Thái (Trích Mười lẻ một đêm)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét