Vào tận nhà để… lừa


(ANTĐ) - Đi bộ, xe máy, thậm chí cả ôtô đến những khu dân cư vào thời điểm vắng người rồi tìm cách tiếp cận những người cao tuổi hay sinh viên thuê trọ, tự xưng là đại diện của nhãn hàng này, công ty nọ để chào bán, ký gửi hàng hóa… Đó là thủ đoạn lừa đảo đang khá phổ biến hiện nay.

Trưa 28-2, ông Nguyễn Văn Chí, 72 tuổi, kinh doanh tạp hóa ở nhà riêng tại tổ 36, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đang ngồi trông hàng thì 1 chiếc xe ôtô Hyundai loại 1,25 tấn đỗ xịch trước cửa. 2 thanh niên trong bộ dạng khá lịch sự từ trên xe bước xuống.

Sau khi đứng quan sát kỹ cửa hàng tạp hóa, họ tự giới thiệu với ông Chí là nhân viên Trung tâm cung cấp và phát triển siêu thị. Với những người dân ở ven đô, lại cao tuổi như ông Chí, khách giới thiệu sao, chủ nhà biết vậy. Cái trung tâm nghe tên “oách” như vậy thực chất không hề tồn tại. 2 thanh niên khen vị trí cửa hàng nhà ông Chí ngay mặt đường, thuận lợi kinh doanh; rồi họ đặt vấn đề mời ông Chí làm đại lý cấp 2 cho trung tâm.

Công việc của đại lý cấp 2 rất đơn giản, chỉ phải dành một phần nhỏ diện tích cửa hàng để trưng bày (chứ không phải bán) sản phẩm của trung tâm. Mỗi tháng, đại lý cấp 2 được trả 600.000 đồng. Nghe bùi tai, ông Chí đồng ý trở thành đại lý cấp 2, sau khi nhận 4 kiện hàng là 4 thùng carton được niêm phong kín và thế chấp tiền cọc 5,8 triệu đồng.

Chiều hôm ấy, người nhà ông Chí về nghe kể lại sự việc đã nghi ngờ. Gọi theo số điện thoại di động mà 2 cán bộ “Trung tâm cung cấp và phát triển siêu thị” để lại, không thấy có tín hiệu phản hồi. Đến lúc ấy, 4 thùng carton được mở ra. Bên trong mỗi thùng có 2 chai nước rửa chén nhãn hiệu “Mỹ Hảo”, giá thành 24.000 đồng/chai. Biết bị lừa, gia đình ông Chí đã đến CAP Ngọc Thụy trình báo.

Loại lừa đảo khá phổ biến hiện nay là trò chào bán bếp gas dạo. Đối tượng lừa đảo kiểu này chuyên dùng xe ôtô tải hạng nhẹ, đi lại trên các trục đường hay vào các khu dân cư để chào bán bếp gas. Câu cửa miệng của các đối tượng này luôn là: “Được công ty giao vận chuyển hàng về kho, vì thừa 1, 2 cái nên muốn bán rẻ để lấy tiền xăng xe, thuốc nước”.

Cách bán hàng của các đối tượng này rất khác thường, chúng tiếp cận bất cứ ai gặp trên đường ở những khu vắng người, hoặc người đi xe máy dừng đỗ. Ai có ý định mua sẽ được giới thiệu đủ loại bếp thương hiệu nổi tiếng như Rinnai, Goldsun, Paloma; vỏ bếp in đậm dòng chữ “made in Italy”, “made in Japan”, hay “made in Thailand”. Nếu như giá bán trên thị trường của các loại bếp này khoảng 2 triệu đồng, thì đối tượng bán bếp dạo sẵn sàng hạ giá cho khách 700.000-800.000 đồng/chiếc.

Cuối tháng 12-2009, CAQ Long Biên sau nhiều ngày phục kích đã bắt giữ 3 đối tượng đang diễn trò lừa này trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng. Trong thùng xe tải các đối tượng điều khiển có 5 chiếc bếp gas hiệu Rinnai không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. 3 đối tượng trên xe là Hoàng Văn Huy, SN 1978, nhà ở phường Đức Giang, quận Long Biên, điều khiển xe ôtô; Dương Văn Giáp, SN 1984 và Dương Văn Hợp, SN 1983, cùng quê Kim Động, Hưng Yên và cùng thuê trọ ở phường Ngọc Lâm.

Hợp và Giáp khai được 1 đối tượng thuê đi bán bếp gas với giá gốc 500.000 đồng; nếu gạ bán được giá cao hơn thì phần lãi đó Giáp và Hợp được hưởng. Nhận “hợp đồng”, Hợp và Giáp thuê Huy lái xe tải đóng vai là nhân viên hãng bếp gas Rinnai chở bếp đi giao hàng. Công vận chuyển 500.000 đồng/ngày. Theo đại diện hãng bếp gas Rinnai, giá gốc của những chiếc bếp giả này mua trên biên giới chỉ khoảng 300.000-400.000 đồng. Điều nguy hại là những chiếc bếp rởm ấy có thể gây ra sự cố cháy, nổ bất cứ lúc nào.

Được đánh giá liều lĩnh hơn cả là loại đối tượng giả danh nhân viên của các siêu thị, mò vào tận nhà dân để hoặc là dựng màn kịch bốc thăm trúng thưởng, hoặc thừa cơ trộm cắp tài sản. Xin nêu một “màn kịch” điển hình từng xảy ra tại xóm trọ ngách 66, ngõ Thống Nhất, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Hôm đó, có hai phụ nữ trên dưới 30 tuổi, tự xưng là nhân viên siêu thị Metro đi tiếp thị sản phẩm và làm thẻ Metro cho khách hàng.

Sau khi tìm cách tiếp cận một số gia đình không được, hai phụ nữ này được chị Nguyễn Thùy Trang, sinh viên, vẫy lại để hỏi thăm về thủ tục làm thẻ Metro. “Dịp này đúng vào kỷ niệm ngày thành lập siêu thị Metro nên hãng mới có đợt khuyến mãi làm thẻ tại nhà riêng cho khách hàng. Em có nhu cầu nên làm ngay, nếu không sau này, đến tận siêu thị xếp hàng cũng còn mệt mới có được”, một trong hai người phụ nữ tỏ vẻ nhiệt tình.

Thấy chị Trang tỏ ra tin tưởng, người phụ nữ dáng thấp đậm rút từ trong túi ra tuýp sữa rửa mặt nhãn hiệu Pond’s và nói với chị Trang: “Bọn chị sẽ thiết kế để em nhận được giải thưởng của siêu thị là 1 chiếc đồng hồ cùng điện thoại di động Nokia N95. Tổng cộng em sẽ được giá trị giải thưởng lên đến hơn 10 triệu đồng”. Đồng thời, một trong hai người phụ nữ rút điện thoại di động gọi đến một người đàn ông tự xưng là giám đốc để chị Trang trực tiếp nói chuyện.

Trò lừa đảo lúc này mới thực sự bộc lộ. Người phụ nữ tên Vân gợi ý, vì chị Trang đã trúng trị giá giải thưởng lớn nên trích tiền ủng hộ người nghèo. Không chút đắn đo, chị Trang đưa cho người phụ nữ 700.000 đồng cùng chiếc điện thoại di động Nokia và một sợi dây chuyền vàng tây. Hai người phụ nữ nói họ phải mang đi thẩm định giá sợi dây chuyền, lát sau sẽ quay lại trao thưởng. Tuy nhiên, kể từ lúc ấy, bóng dáng hai nhân viên Metro mất hút.

Trò lừa chỉ phát huy tác dụng khi người dân mất cảnh giác, hám lời. Động thái cần thiết trong các trường hợp này, là người dân khi gặp các đối tượng trên, cần thông tin đến cơ quan công an để lật tẩy bộ mặt lừa của chúng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét