'Đôi sam' Việt - Hàn


PN - Vào các giờ ăn trưa và chiều, nhà hàng món ăn Hàn Quốc Abai trên đường Nguyễn Văn Vĩnh, Q.Tân Bình, TP.HCM luôn chật kín khách.

Có lúc, khách phải đứng chờ chỗ đến 30 phút. Khách của nhà hàng Abai đa phần là người Hàn. Nhiều người bảo: "Cả TP.HCM, không nơi nào bán món cháo lòng Hàn Quốc ngon bằng nơi đây". Một điều thật bất ngờ, bà chủ quán kiêm bếp trưởng của nhà hàng là một cô dâu Việt: Lê Huỳnh Như.

Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ

Là giám đốc một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu bếp ga mini, Huỳnh Như phải đi lại như con thoi giữa Việt Nam - Hàn Quốc. Suốt một thời gian dài, Choi Won Gyu - anh con trai cả của một gia đình công ty đối tác của Như đã để ý cô giám đốc người Việt xinh xắn, năng động và quyết đoán. Vài lần lấy cớ sang Việt Nam tìm hiểu thị trường để được gặp Huỳnh Như, một ngày anh rụt rè ngỏ lời yêu và suýt "đứng tim" vì mừng khi được cô chấp nhận.

Gia đình Huỳnh Như - Choi Won Gyu

"Thường xuyên đi lại giữa Việt Nam - Hàn Quốc, tiếp xúc với nhiều người Hàn, tôi cứ tưởng mình đã hiểu nhiều về văn hóa Hàn Quốc, sẽ không có "xung đột văn hóa" khi lấy chồng Hàn. Nào ngờ, tưởng vậy nhưng không phải vậy!". Huỳnh Như dí dỏm nhắc lại chuyện xưa.

Chồng Hàn Quốc kỳ lạ lắm. Hồi xưa theo đuổi chăm sóc, quan tâm đến mình bao nhiêu, lấy nhau rồi lại thờ ơ bấy nhiêu. Hết tranh thủ làm thêm việc công ty lại tranh thủ gặp bạn bè. Vợ con tụt... hạng bét. Biết chồng ở xa nhà, lâu lâu cũng thèm món ăn Hàn Quốc, vợ hì hụi nấu, hí hửng mời chồng. Chồng gắp mấy đũa rồi nhăn nhó: "Món này nấu không đúng khẩu vị Hàn Quốc!".

Vợ Việt Nam cũng kỳ không kém. Hồi mới quen và khi là vợ sao cứ như hai người khác nhau. Vợ bây giờ hay cằn nhằn, xét nét, hay bắt chồng phải làm theo ý mình. Nấu ăn không đúng khẩu vị người Hàn, chồng không ăn được, mới góp ý đã xịu mặt, trách: "Em mất công nấu sao anh chê?". Quan hệ bạn bè là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của đàn ông Hàn, sao vợ Việt Nam không hiểu và thông cảm?

Những chuyện tưởng nhỏ nhặt nhưng kéo dài khiến đời sống vợ chồng trở nên nặng nề. Đã vậy, vợ chồng chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, bình thường thì không sao, khi đụng chuyện, không đủ ngôn ngữ để diễn tả, stress càng tăng theo cấp số nhân. Không biết chia sẻ với ai, anh Choi nghĩ ra sáng kiến thành lập một trang web dành cho các ông chồng Hàn lấy vợ Việt để cùng chia sẻ vui buồn, và cả kinh nghiệm để có một cuộc sống hạnh phúc, hòa hợp. Thế nhưng, vợ chồng sao chẳng thể hòa hợp?

Hạnh phúc từ biến cố

Con gái thứ hai của họ bị phát hiện mắc bệnh nan y khi bé chưa đầy hai tuổi. Đưa con chữa chạy khắp các bệnh viện trong nước, tốn kém tiền bạc, công sức, nhưng cuối cùng các bác sĩ đều lắc đầu, bảo hy vọng sống của bé rất mong manh. Nỗ lực cuối cùng để cứu con, hai vợ chồng bàn nhau gom góp tài sản còn lại đưa con về Hàn Quốc. "Đó là khoảng thời gian không thể quên trong cuộc đời tôi. Không chỉ bởi cú sốc vì sự sống mong manh của con mà còn vì rất nhiều đổi thay trong tôi sau biến cố ấy", Huỳnh Như xúc động nhớ lại.

Việc chữa trị cho con tại Việt Nam đã ngốn gần hết vốn liếng của hai vợ chồng, giờ đưa con sang một bệnh viện nổi tiếng của Hàn Quốc, chi phí cao hơn gấp nhiều lần. Để có đủ tiền chữa trị cho con, anh Choi đã làm thêm bất kỳ việc gì. Không ai có thể ngờ, ông giám đốc một công ty ban ngày đĩnh đạc trong bộ complet, tối lại khoác bộ quần áo tuềnh toàng, đi nhặt ve chai kiếm thêm tiền. "Với vợ chồng tôi khi ấy, một xu cũng quý, bởi mỗi ngày chúng tôi có cả tá khoản phải chi, chưa kể tiền thuốc men, viện phí... Và, cũng đến lúc ấy, tôi mới hiểu tại sao mẹ chồng tôi vẫn hay nhặt nhạnh ve chai bán lấy từng đồng xu lẻ, trong khi các con đều thành đạt, gia đình khá giả. Bà tích cóp để dành cho con cái phòng khi có chuyện bất trắc. Tôi xúc động đến nghẹn ngào khi được mẹ trao cho số tiền bà đã dành dụm suốt thời gian dài. Tôi chợt nhận ra rằng, đàn ông Hàn Quốc rất gần gũi mẹ. Muốn hiểu chồng, hãy học cách hiểu mẹ chồng", Như tâm sự.

Ban ngày chồng đi làm, vợ chăm con, buổi tối chồng đi nhặt ve chai, vợ bán thức ăn nhanh ở cổng bệnh viện. Vất vả, căng thẳng nhưng anh không bao giờ than van. Anh luôn cười thật hiền và động viên vợ cố gắng vượt qua khúc quanh ấy. Ngày con xuất viện mạnh khỏe, hai vợ chồng chị còn có thêm niềm vui khác: họ thực sự gắn bó, thực sự hiểu nhau và yêu nhau nhiều hơn sau sáu năm chung sống với những bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán... Chị cố gắng học tiếng Hàn, anh cũng trau dồi tiếng Việt. "Phải hiểu ngôn ngữ của nhau mới có thể hiểu nhau và yêu nhau nhiều hơn", hai vợ chồng xác định.

Hai năm ròng chữa bệnh cho con, để tiết kiệm tiền, chị chỉ dám "giải quyết cho bao tử" bằng món cháo lòng bình dân, bán ở vỉa hè Hàn Quốc. Về Việt Nam, sau khi ổn định lại công việc kinh doanh bếp ga mini, chị quyết định mở nhà hàng với món ăn đặc biệt "cháo lòng Hàn Quốc". Với chị, nhà hàng là nơi để nhắc vợ chồng chị không bao giờ quên cách mình đã vượt qua một khúc quanh lớn của cuộc đời. Nhờ chịu khó quan sát, học hỏi mẹ chồng nấu nướng món ăn Hàn Quốc, cộng thêm những trải nghiệm của hai năm "thưởng thức" cháo lòng, nhà hàng của chị đông khách đến bất ngờ. Ở đó có nhiều món ăn, nhưng ai đến cũng đều gọi món cháo. Biết tác giả của món cháo ấy là cô dâu Việt, ai cũng tấm tắc khâm phục. Chị Kim Ji-Soen, "mối ruột" của nhà hàng Abai nhận xét: "Cô Như nấu cháo còn ngon hơn cả đầu bếp người Hàn".

Đến nhà hàng Abai vào buổi trưa, bạn sẽ được gặp vợ chồng chị. Nếu thấy một người đàn ông Hàn Quốc to cao, có khuôn mặt tròn phúc hậu và nụ cười thật hiền đang lăng xăng bê cháo phục vụ khách hoặc lau dọn bàn ghế cùng các nhân viên, chắc chắn đó là anh Choi. Mười một năm chung sống, đã có ba cô con gái, hai vợ chồng giờ là chủ một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu bếp ga mini đang ăn nên làm ra nhưng anh vẫn vậy, vẫn giản dị từ cách sống đến ăn mặc. Vợ chồng chị như đôi sam, hết cùng nhau lên nhà máy ở Củ Chi lại về chăm sóc, quán xuyến nhà hàng.

"Hạnh phúc hay bất hòa trong đời sống hôn nhân đôi khi có thể bắt nguồn từ những điều rất nhỏ nhặt. Chỉ khi thực sự hiểu nhau, vợ chồng mới có thể chia sẻ và cùng nhau vượt qua mọi vấn đề trong cuộc sống. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Cũng vì chủ quan cho rằng văn hóa Hàn - Việt khá tương đồng chỉ cần giao tiếp được với nhau, dù bằng bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có thể hiểu nhau nên vợ chồng tôi từng bị rơi vào tình trạng căng thẳng đến cực độ. Thế kỷ XXI, quan niệm lấy chồng đề tìm sự bình an, yên ổn có lẽ đã không còn phù hợp. Cuộc sống hôn nhân có những khó khăn, thử thách mà nếu không được chuẩn bị sẵn tâm lý, nhiều người có thể không đủ sức vượt qua", chị Huỳnh Như chia sẻ.

Phương Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét