Mẹo tiết kiệm trong bếp


KTĐT - Không nên dùng lưới tăng nhiệt vì sản phẩm này có thể tăng nhiệt, nhưng lại làm bếp gas chóng hỏng.

Giá điện, giá gas tăng trong thời gian qua khiến nhiều người nội trợ đau đầu tính kế tiết kiệm năng lượng. Xin giới thiệu một số bí quyết tiết kiệm trong nhà bếp.

Tiết kiệm điện

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, trong nhà bếp có thể tiết kiệm năng lượng bằng cách dùng đồ thủy tinh để nấu hoặc làm nóng thức ăn bởi chất liệu thủy tinh nhanh chín, ít hao điện, giữ nhiệt tốt hơn, không độc hại như với kim loại hay đồ gốm.

PGS. TS Hoàng Dương Hùng, Khoa Nhiệt điện lạnh, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng tư vấn: Không nên đặt lò vi ba, vi sóng trong phòng có điều hòa nhiệt độ vì sẽ bị giảm nhiệt lượng. Nếu lò đã cũ nên thay cái mới sẽ bớt bị tiêu hao điện năng. Nên dùng các loại nồi cơm điện, nồi áp suất để hầm sẽ bớt được thời gian đun nấu, giảm tiêu hao năng lượng. Thực phẩm đông lạnh rã đông trước khi chế biến sẽ giảm được 1/2 thời gian nấu nướng.

Anh Nguyễn Khắc Hậu, Trung tâm điện tử, điện lạnh Hanel khuyên rằng: Nếu có điều kiện, các bà nội trợ nên dùng tay làm một số việc thay máy móc, như dùng chày, cối để giã, dùng dao băm thức ăn trên loại thớt sạch, hoặc dùng bếp than nướng thay bếp điện, dùng máy xay tay thay dùng máy xay sinh tố... vừa tiết kiệm được điện, thức ăn vừa thơm ngon hơn so với cho vào nướng trong lò điện...

Tiết kiệm gas

Cũng theo PGS.TS Hoàng Dương Hùng, sử dụng bếp gas khoa học sẽ tiết kiệm được hơi gas khi đun nấu và giảm ô nhiễm khí thải bằng cách không cần mở lửa to, chỉ nên chỉnh lửa vây quanh đáy nồi. Nếu lửa màu vàng là gas không cháy hết, cần kiểm tra cửa gas. Ngoài ra luôn giữ cho bộ phận cung cấp lửa, đầu đốt lửa của bếp gas sạch để bếp cấp nhiệt tốt hơn, giảm thiểu thời gian nấu nướng.

Không nên dùng lưới tăng nhiệt vì sản phẩm này có thể tăng nhiệt, nhưng lại làm bếp gas chóng hỏng. Khi nấu một bữa cơm, nên chuẩn bị rau, gạo, sơ chế thực phẩm xong rồi hãy bật bếp để nấu luôn, không nên vặn, bật bếp nhiều lần vì khí gas sẽ thoát ra ngoài nhiều.

Ông Hoàng Dương Hùng cho hay, trên thị trường đang có một số loại bếp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe, trong đó có các loại bếp năng lượng mặt trời như: Bếp hình hộp để đun nước và nấu cơm giá 200.000- 300.000 đ/cái; Bếp hình parabol nấu nhanh, nhiệt độ cao, có thể xào, rán, nướng... giá 1-1,5 triệu đ/cái. Bình nước nóng năng lượng mặt trời cho gia đình, nhà hàng, khách sạn để đun nấu, tắm giặt, rửa chén bát, hâm nóng nước bể bơi... tiết kiệm năng lượng giá 5 triệu đồng/bộ. Theo ông Hùng đánh giá, mặc dù giá thành các loại sản phẩm này hơi cao nhưng người dân chỉ cần đầu tư 1 lần, sử dụng năng lượng mặt trời mà không tốn tiền hàng tháng như với điện, gas.

Soong nồi phù hợp

Việc chọn soong nồi, chảo có kích cỡ phù hợp cũng giúp tiết kiệm được năng lượng cho nhà bếp. Có một nguyên tắc là không nên dùng nồi to để nấu ít thức ăn, cũng không nên dùng chảo nhỏ trên bếp to vì như thế rất lãng phí gas, điện.

Thị trường điện máy năm nay đã có một số mẫu nồi cơm điện loại nhỏ, nắp rời tiện lợi được nhiều người lựa chọn bởi dễ rửa, sạch sẽ và rất phù hợp với nhà ít người. Một số mẫu chảo tiết kiệm năng lượng mới, hầu hết là của Hàn Quốc, giá 800.000 – 1.900.000 đ/chiếc trong đó có loại chảo tiết kiệm gas, làm chín thức ăn nhanh, không tốn dầu mỡ do bề mặt chảo tráng 5 lớp nano kim cương trắng nên chống dính cao, tốn ít dầu mỡ, thức ăn không bị dính chảo và dùng được các loại muôi kim loại. Bộ chảo này có 2 chiếc: 1 xào, 1 rán, có nắp chống tràn.

Bên cạnh các loại nồi áp suất, nồi tiềm, nồi hầm, nồi kho... còn có nồi đa năng, nồi ủ cơ cũng giúp tiết kiệm năng lượng. Nồi ủ cơ đun được cả bếp gas, bếp lò, bếp từ (không dùng với bếp gas du lịch), nấu chín thức ăn bằng hơi nóng, rất tiết kiệm năng lượng và thời gian đun nấu. Thức ăn sau khi tẩm ướp chỉ việc cho vào nồi đun sôi vài phút sau đó tắt bếp, đặt vào vỏ nồi ủ. Thức ăn vẫn sẽ sôi tiếp 25 phút nữa và giữ nhiệt ở 70 độ được 4 giờ, giữ nhiệt ở 50 độ được 8 giờ. Giá nồi từ 1,4 - 2,9 triệu đồng/chiếc tùy dung tích.

Loại nồi đa năng cũng đánh giá là loại sản phẩm tiết kiệm được 20% thời gian đun nấu, 25% lượng tiêu thụ điện trong điều kiện thức nấu ăn bình thường. Nếu nấu canh, cháo, om hoặc hầm còn tiết kiệm được 40% thời gian và 50% năng lượng tiêu hao. Ngoài ra, sản phẩm này còn có ưu điểm là có thể phi hành tỏi, xào, chiên rán, hấp, hầm, om, quay, nướng, nấu cơm, cháo... mà không bị cháy hoặc trào, có giá bán từ 780.000 - 3,5 triệu đồng.

Nấu nướng tiết kiệm

- Với những món phải ninh nhừ như cháo, chè, nên ngâm gạo trong nước trước khi nấu khoảng 15 phút, sau đó đun sôi 1 - 2 phút rồi tắt bếp. Sau khoảng 20 phút bật bếp ninh thêm 5 phút, cháo, chè sẽ nhừ.

-Trừ khi yêu cầu món ăn là phải mở nắp khi nấu (để tránh bị tràn và trong nước...), nên đậy nắp vung sẽ làm món ăn nhanh chín hơn.

-Hạn chế mở cửa sổ khi đang nấu vì tuy thoáng khí, nhưng hóa đơn tiền điện, gas sẽ tăng do phải tiêu hao ít nhất 20% sức nóng của bếp. Kỹ sư Nguyễn Khắc Hậu (TT Điện tử - điện lạnh Hanel)

Theo Giadinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét