Thương khói lam chiều


TTO - Ngay sáng sớm mùng một Tết, nhà xảy ra “sự cố”…Như thường lệ, cứ khoảng 5 giờ rưỡi sáng là dậy. Người đánh thức giờ đây không phải mẹ như ngày xưa, cũng không phải là một người nào khác, mà đó lại là vật bất ly thân - chiếc điện thoại di động rẻ tiền. Có nó thì khó mà nằm nướng được, dù nó chẳng mắng mỏ, hờn trách câu nào.

Rồi lại bắt tay làm công việc đầu tiên trong ngày - như một ngày bình thường, không phải Tết - là bắc ấm nước lên để pha cà phê. Trong khi chờ nước sôi réo lên, tranh thủ dọn dẹn nhà cửa, rửa chén dĩa, ly tách.

Bất ngờ, “sự cố” đến từ…cái bếp ga: Hết…! Thật bực mình. Sao lại hết ga vào đúng thời điểm thiêng liêng này chứ! Làm sao bây giờ? Giật mình chợt nhớ đến “cứu tinh” - cái bếp ga mini. Nhưng, trước sau gì cũng phải gọi một bình ga mới cho cái bếp lớn. Hãy còn một nồi thịt kho hột vịt ngon lành và mấy món phải nấu nướng, không chỉ có ấm nước để pha cà phê. Uống cà phê trừ cơm ba ngày Tết là không thể.

Uống xong tách cà phê, nhìn đồng hồ - 6 giờ rưỡi. Chắc cửa hàng ga mở bán rồi. Bấm! bấm! A lô! A lô! Số điện thoại quí khách liên hệ tạm thời ngưng hoạt động. Xin quí khách vui lòng gọi lại sau.…Thôi, ai mà bán ga vào sáng sớm mùng một Tết như vầy. Mỗi năm chỉ có ba ngày.

Thất vọng nhưng vẫn chưa bó tay. Phóng xe sang một cửa hàng khác, vì chẳng biết số điện thoại. Lại cửa đóng then cài. Cằn nhằn: sao họ ham ăn Tết dữ vậy; chẳng mở cửa phục vụ khách hàng?

Bèn quay xe lại, tình cờ gặp bạn. Lật sổ tay, bạn cho số điện thoại một chỗ bán ga của nhà nước, phục vụ 365/365 ngày, không thèm ăn Tết. Ngờ đâu, bình ga 12kg của họ lại không cùng loại với của mình, khác nhau bộ điều áp, khác nhau cả chất ga. Kỳ khôi! Ga mà cũng có ga này ga nọ, không hợp nhau.

Vậy là tuyệt vọng rồi!. Chắc phải chờ hết ba ngày Tết thôi. Còn thức ăn thì sao?

Cùng đường nghĩ quẩn. Trên đời, cái gì cũng có hai mặt. Tiện nghi là tốt nhưng lệ thuộc tiện nghi quá đôi khi lại thành …bất tiện. Dùng ga để nấu ăn là tiện nhưng hết ga trong ba ngày Tết thì thật đúng là… đại bất tiện!

Thốt nhiên, muốn trở lại ngày xưa như mẹ, chỉ dùng bếp củi. Rảnh rỗi, chạy ùa ra chòm cây sau nhà quơ quào một lát, ôm cả bó củi khô vào, mặc tình mà đốt cho tới hết Tết. Dù rằng, nấu củi cũng có nhiều bất tiện, như phải ngồi trông chừng chứ không dám bỏ đi xa, lửa mà liếm vào vách thì có nước ở tù, bằng không thì cũng đi ăn mày! Nấu bếp củi còn bất tiện ở chỗ phải chùi nồi, tức là "chà đồ nhôm" theo đúng nghĩa đen của từ.

Ôi, thật là nhiều chuyện. Đành là vậy, nhưng thỉnh thoảng, bắt gặp một làn khói lam yểu điệu, dịu dàng, tha thướt bốc lên từ một mái lá ven đường hay xa xa giữa cánh đồng êm đềm vắng lặng, lại cảm thấy bâng khuâng.

Đẹp lắm! Đó là hình ảnh quê hương hiền hòa, chơn chất. Đó còn là hình bóng của mẹ một đời ẩn nhẫn, chịu đựng nuôi con. Đẹp lắm và cũng nghe thương thương lắm! Cái bếp củi ngày thơ, những ngày còn lẩn quẩn bên chân mẹ, tò mò ghé mắt nhìn vào lòng soong chảo, xem có món gì… ăn vụng được không.

Hai mươi năm dùng bếp ga, đây là lần đầu tiên xui xẻo ngay mùng một Tết. Than thở vẩn vơ, sao nhà sản xuất lại không gắn một con chíp hay cái gì gì đó nhằm báo cho biết ga trong bình còn lại bao nhiêu! Tại sao xe máy gắn được cái bình xăng sơ-cua, gắn được cái đồng hồ báo xăng để người dùng xe biết trước.

Chợt muốn la lên cho nhà sản xuất và… nhà sang chiết ga nghe rằng: Hãy cho ta biết ga trong bình còn bao nhiêu, để ta còn thảnh thơi mà ăn Tết. Hỡi các ngài sang chiết ga! Các ngài kính mến! (Chứ không phải là đưa tay sờ vào bình ga, xoa xoa coi nó còn lạnh lạnh tới mức nào).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét